Bài đọc nhiều

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Ăn chay

0 nhận xét

Ăn chay



   Phần đông trên thế giới ngày nay, ai cũng biết ăn chay có lợi cho sức khoẻ của chúng ta. Ăn thịt nhiều dễ bị ung thư. Vì vậy không cần thiết phải ăn chay trường, nhưng nếu các bạn ăn nhiều rau quả và các bạn bớt ăn thịt các bạn sẽ tránh được nhiều chứng bịnh nan y do độc tố trong thịt gây ra.
Nhưng điều cốt yếu là khi chúng ta thiền, chúng ta phải ăn chay, tại sao ?
Không ai dạy ta cả, nhưng kinh nghiệm thiền dạy ta phải như vậy. Pháp , chân lý tối hậu hay là luật tự nhiên của trời đất nằm ngay trong chính thân thể của chúng ta, nhưng Pháp này nhiệm mầu, sâu kín khó lòng chứng ngộ được. Để quán và chứng ngộ Pháp này, chúng ta thiền từ từ và chứng ngộ từ ngoài vào trong, từ cạn vào sâu, từ sự thật thô thiển cho đến sự thật vi tế nhất.
 Ngày nay khoa học cho chúng ta thấy thế giới của chúng ta được làm bằng năng lượng ( energie ) và chấn động lực ( vibration ). Sự rung chuyển của những làn sóng ( onde ) do chấn động lực gây ra và từng cấp ( hoặc cấp bậc, niveau d’energie) do năng lượng gây ra tạo ra những thế giới khác nhau với những đẳng cấp khác nhau. Khi chúng ta thiền, chúng ta chỉ ngồi đó mà quán tâm và cảm giác trên thân thể của chúng ta mà không phản ứng bằng tham và sân. Chúng ta quan sát tâm, tư tưởng và cảm giác của chúng ta một cách khách quan và trung thực.
Chúng ta nhận định ra rằng những tư tưởng này là không đầu không đuôi và những cảm thọ sinh ra trên thân thể của chúng ta là đẻ diệt đi. Chúng đúng là vô thường. Từ từ chúng ta sẽ chứng ngộ được đạo vô thường này bằng công phu yoga ngày càng sâu sắc của chúng ta.
Muốn chứng ngộ Pháp vô thường này ( anica ), chúng ta phải dùng tâm định tĩnh, trong sáng để cảm nhận sự sinh lên và diệt đi những cảm thọ trên thân thể của chúng ta, biết chúng là vô thường, nên chúng ta không bắt giữ hay chạy theo chúng. Từ từ, tâm của chúng ta sẽ trở nên định tĩnh và sắc bén và sẽ cảm nhận được các sự thật này ngày một vi tế hơn. Nếu chúng ta ăn thịt, những chấn động lực của thú vật này sẽ ăn sâu vào thân thể của chúng ta. Năng lượng mang lại do sự tiêu hoá này rất là nặng trược và ô uế. Khi chúng ta thiền chúng ta sẽ kinh nghiệm được những đẳng cấp thấp kém này. Vì vậy chúng ta phải ăn chay để kinh nghiệm những đẳng cấp tâm linh cao thượng hơn.
Chúng ta thấy có rất nhiều vị thầy kiêng hành tỏi và không ăn trứng tại vì đẳng cấp tâm linh của họ cao. Đừng gượng ép, đừng bắt chước họ, quí vị hãy ăn chay từ từ và tu tập. Khi công phu yoga của quí vị trở nên sâu sắc, quí vị sẽ trường chay một cách tự nhiên.
Read more...

Tứ thiền:

0 nhận xét

Tứ thiền:
Thông thường, rất khó chứng ngộ tần thiền này một cách hoàn hảo. Chúng ta chỉ chứng một phần nào thôi. Vì những nghiệp lực sâu dày trong quá khứ, bạn phải tu hành nhiều đời nhiều kiếp trước khi chứng đắc tầng thiền này hoàn toàn.
Sau đây là một vài kinh nghiệm.
Trung bình, những ai đã có duyên với Yoga và tập Yoga chăm chỉ khoảng chừng sáu bảy năm, sau khi nhập thất vài lần, mỗi lần bạn thiền 30 ngày liên tiếp, bạn sẽ thuần thục tam thiền. Trong khi đó nếu bạn nhập thất 49 ngày, chưa chắc bạn chứng tứ thiền. Khi bạn nhập thất 49 ngày vài lần như vậy, bạn sẽ hiểu đẳng cấp của bạn đang ở đâu, bạn biết rõ mình là ai và bạn chấp nhận sự thật hiện tiền. Bạn không còn lo lắng về sự tiến bộ tâm linh của mình, bạn biết bạn đang đi đúng đường và bạn chỉ cần thời gian thôi. Bạn chỉ tiếp tục thiền và làm công việc của bạn với một tâm quân bình, tĩnh lặng và sáng suốt. Bạn biết nhiệm vụ cao cả của bạn là thanh lọc tâm. Bạn nhớ lại rằng bạn đã từng thiền nhiều lần trong quá khứ, và bạn vẫn tiếp tục đi trên con đường cao quý này, con đường Giới Định Tuệ. Rồi một ngày nào, khi duyên lành đã tới, bạn sẽ giải thoát.
Sau khi ở tam thiền khoảng 4 đến 12  tiếng, bạn xuất tầng thiền này, giữ tâm quân bình, nhập sơ thiền, ở lại đây 2 tiếng, xuất sơ thiền, bạn nhập nhị thiền, ở lại đây 4 đến 8 tiếng. Xuất nhị thiền, bạn nhập sơ thiền, xuất sơ thiền, bạn nhập tam thiền, xuất tam thiền, bạn nhập sơ thiền, xuất sơ thiền, bạn nhập tứ thiền.
Đây là tiến trình chuyển hoá của tâm, chúng ta không cần biết tại sao tâm  lại chuyển hoá như vậy, chúng ta chỉ ngồi đó, giữ tâm bình thản và kinh nghiệm những gì đang xảy ra. Điều chắc chắn là trước khi vượt tứ thiền, tâm  trở về sơ thiền vì nó cần gạn lọc những nghiệp lực vi tế nhất. Chỉ cần một niệm nhỏ nổi lên là tâm bạn vẫn đục và mất đi sự quân bình sáng suốt. Tâm cần trở lại sơ thiền thường xuyên, lấy lại sự quân bình cần thiết để nhập tứ thiền.
Điều quan trọng mà bạn chứng ngộ ở đây là sự biến mất của bản ngã, sự biến mất của ‘cái Tôi’.
Khi ở tam thiền, bạn kinh nghiệm rằng thân thể bạn không phải là một khối thịt cứng ngắc nữa mà là những đợt sóng với những tầng năng lượng dạt dào sinh ra và diệt đi với một tốc độ khủng khiếp.Tâm bạn thật là sắt bén, nó phân biệt rõ ràng những phân tử cấu trúc thân bạn . Một số phân tử ( particule ) chết đi, nhường chổ cho một nhóm khác được sinh ra. Bạn kinh nghiệm được sự tuần hoàn của sự sống và sự chết trên chính bản thân mình. Bạn kinh nghiệm được sự luân hồi. Mỗi một phân tử particule chứa đựng tất cả những dữ kiện quá khứ và tương lai. Nếu những nghiệp này được rửa bởi thiền, nó sẽ không được đưa sang những phân tử mới. Bây giờ bạn quét sự chú ý của bạn tới đâu, sóng tâm của bạn sẽ di chuyển đến đó và bạn bắt đầu làm chủ được tâm mình va sai khiến nó.
Bạn tập trung sự chú ý vào xương sống và xuyên thủng nó để nhìn vào trong. Bạn sẽ thấy rõ lục phủ ngũ tạng của mình và sự hoạt động của nó. Bạn quán sự hoạt động này mà không phản ứng với một tâm quân bình. Đến một lúc nào đó bạn nhận biết ra rằng sự hoạt động này cũng chỉ là sự biến chuyển của làn sóng tâm mà thôi. Đến tầng thiền này, bên trong người bạn hay bên ngoài chỉ là một sự sinh diệt rất vi tế của chấn động lực và năng lượng. Đến một lúc nào đó sự sinh diệt này biến mất, tất cả giác quan đều ngừng hoạt động và thân tâm bạn biến mất.
Vì tất cả đã biến mất, chấn động lực và năng lượng biến mất, sáu giác quan ngừng hoạt động, cảm giác và tri giác biến mất,  nên bạn chứng ngộ rằng tất cả các quá trình tiến triển này đều là Không, tất cả các pháp đều là Không. Bản ngã là không có thực thể ( l’ego nexiste pas, le non soi existe ). Đây là sự chứng ngộ vô cùng vi diệu về sự thật tối thượng. Sự thật tối thượng này không nằm trong kinh điển, bạn phải chứng ngộ nó. Dù cho các bạn thông thái tới đâu, hiểu rõ Không là gì, và lặp đi, lặp lại những lời vô nghĩa như Không bất thị Sắc, Sắc bất thị Không,  chỉ làm đầu óc bạn thêm hoang mang mà thôi.
Kinh nghiệm về sự biến mất của thân và tâm, sự biến mất của tri giác, của bản ngã, bản ngã không có thực thể, tất cả các Pháp đều là Không phải đựơc lặp đi, lặp lại nhiều lần. Cho đến khi bạn hiểu một cách cụ thể rằng tất cả các pháp đều vô thường, đều là Không, bạn xả bỏ tất cả và chứng quả.
Read more...

Tam thiền

0 nhận xét

Tam thiền

Khi bạn chứng tam thiền, nghĩa là bạn đã thực tình dốc lòng vì đạo. Từ tầng thiền này trở đi, bạn được coi như là chuyên gia về thiền. Bạn giữ giới rất là tự nhiên và yoga là cuộc sống của bạn. Bạn sống chỉ là để thiền. Tâm bạn bây giờ đã thuần thục, nó nhập sơ thiền rất mau, bạn chỉ cần ngồi xuống 5 phút là tâm bạn chứng sơ thiền. Muốn nhập nhị thiền, bạn phải nhập thất nhưng thời gian ngắn hơn.
Trong tầng thiền này, tâm bạn không còn thoái chuyển tại vì mọi sự nghi ngờ về Giáo Pháp đã được rửa sạch do công phu  tập yoga. Bạn chứng đắc bất vô úy, nghĩa là bạn không còn sợ hãi bất cứ chuyện gì. Bạn sống từ đây trong an lạc vĩnh viễn, không có gì có thể làm cho bạn sợ hãi và mất đi tâm quân bình .
Bạn kinh ngiệm rằng thân thể bạn chỉ là sự tập hợp của những phân tử ( particule). Do tham sân si biến mất, nên trên thân thể bạn không còn cảm giác. Toàn thân bạn chỉ là một sự rung chuyển rất vi tế của sóng ( vibration), năng lượng di chuyển trên người bạn một cách tự do. Bạn kinh nghiệm rằng toàn thân bạn chỉ là chấn động lực và năng lượng.
Nhưng trước khi chứng tam thiền, bạn phải trải qua một thử thách rất lớn, đó là bạn phải vượt vô minh. Từ nhị thiền lên tam thiền, bạn cần gấp ba năng lượng mà bạn cần khi bạn từ sơ thiền lên nhị thiền vì phần vô minh ở đây rất dài. Nghĩa là bạn cần một thời gian dài để đối phó với vô minh. Trong thời gian thiền, bạn phải giữ cho tâm được quân bình và sáng suốt khi bạn kinh nghiệm những cảm giác do vô minh gây ra. Những cảm giác dễ chịu, vi tế do tham gây ra, những cảm giác cứng, đau đớn, khó chịu do sân gây ra. Hai loại cảm giác này dễ nhận biết nên bạn đối phó với chúng được. Còn những cảm giác do vô minh gây ra, rất là đặc biệt, nó không khó chịu cũng không dễ chịu, khó nhận biết, nó ru ngủ bạn và bạn tưởng rằng đây là đường cùng, hết lối đi lên.
Tâm bạn bắt đầu nảy ra sự nghi ngờ. Nó sẽ bảo thôi đừng thiền nữa mất công vô ích, không có gì để mà chứng nữa đâu, nghiệp của mày quá sâu dày, mày thiền nữa cũng chằng đi tới đâu và bạn sẽ hoang mang. Đây là lúc cực kỳ nguy hiểm nên tôi muốn nhắc bạn.
Hãy kiên trì, nếu cần, bạn ngưng thiền một thời gian, một tuần hay hai tuần rồi thiền lại. Đừng để vô minh thống trị, đừng để nó ru ngủ mình bằng những lời mật ngọt hoặc đe doạ. Nó kiếm đủ mọi cách để bạn đừng vượt tam thiền. Nó sẽ dụ bạn : tại sao bạn lại thiền, trên đời còn nhiều thứ để vui chơi, hoặc nó đe doạ: mày sẽ tẩu hoả nhập ma vì sự giữ giới của mày chưa được chặt chẽ, bao nhiêu vị sư tu tập rất là nghiêm túc còn chưa chứng đựơc tam thiền huống chi là mày… Tóm lại, Vô Minh tìm đủ mọi cách để bạn ngưng thiền vì nó cảm thấy bị đe doạ bởi tần thiền này.
Trong tam thiền, tâm của bạn rất sắc bén để chọc thủng màng vô minh, bạn không còn bị những ảo vọng ( illusion ) lôi cuốn và làm cho mờ mịt, một phần sự thật tuyệt đối đã phơi bày. Thân của bạn không còn là một khối cứng ngắc và nặng trược nữa mà chỉ là sóng và năng lượng. Những làn sóng chấn động lực được sinh ra và diệt đi với một vận tốc kinh khiếp, năng lượng dạt dào trong người bạn, nó sinh ra và diệt đi. Bạn chứng đắc và hiểu rằng tất cả các Pháp sinh ra là để diệt đi, tất cả đều là vô thường, bất toại nguyện, rỗng tuếch và không có thực chất, là Vô Ngã ( sans nature propre ). Bạn hiểu rằng thân thể và tư tưởng bạn không có thực chất và không phải là của bạn. Tất cả chỉ là sóng và năng lượng ( onde et energie).

Khi kinh nghiệm điều này, tâm bạn bắt đầu xả bỏ vì nó hiểu rằng đây không phải là ta và không có gì là của ta, nên nó không nắm bắt, không chiếm giữ, tâm bạn khởi lên niệm giải thoát và bạn tri kiến rằng bạn đã giải thoát.
Read more...

Nhị Thiền

0 nhận xét

Nhị Thiền

Tần thiền này cần một sự tập luyện chuyên cần và giữ giới một cách nghiêm nhặt của các thiền sinh. Nhờ công phu yoga hàng ngày ( mỗi ngày ít nhất là ba giờ các bạn phải ngồi thiền ). Khi các bạn không ngồi và làm những chuỵên khác, các bạn vẫn phải theo dõi, quán sát những cử động của thân thể, sự phản ứng của nó, quá trình sinh lên và diệt đi của những cụm tư tưởng, quá trình sinh lên và diệt đi của mỗi cảm giác, như vậy bạn tập cho tâm bạn thiền 24 trên 24.
Nhờ công phu này mà các bạn có thể nhập thất và thiền liên tục 20 ngày. Các bạn có thể chứng nhị thiền lần đầu tiên khi bạn thiền liên tiếp 20 ngày hoặc là những lần sau đó.
Bạn ở trong trạng thái này từ 1 đến 8 tiếng.
Nhờ công phu yoga tâm bạn có được những phẩm chất sau đây:
Sati: Tâm bạn rất sắc bén, nó kinh nghiệm một cách liên tục và rõ ràng những cảm giác.
Passadi: Tâm bạn bình an, tĩnh lặng, tư tưởng và sự suy nghĩ không còn nữa, bạn kinh nghiệm rõ ràng sự vô minh là gì.
Uppeka: Tâm bạn đã đạt được sự quân bình , bạn luôn chánh niệm và tỉnh giấc trước mọi cảm giác, nó không còn phản ứng nữa.
Samadhi: Tâm bạn sắt bén và tập trung một cách vững chắc. Do sự tập trung mà tâm bạn đưọc bình an.
Nhờ những đức tính này, phần ý thức (  conscience ) của bạn được toả rộng, tâm bạn bắt đầu ý thức được những gì đang xảy ra trong vô thức ( subsconscience ). Vô minh bị đẩy lui và Tuệ Quán phát triển.
Tâm bạn lúc này rất là trong sạch, những nghiệp gây ra bởi tham sân si trong kiếp sống hiện thời của bạn đã được rửa đi một phần lớn. Các nghiệp trong quá khứ bắt đầu trỗi lên, do vậy mà các bạn nhớ lại một hay nhiều tiền kiếp của mình và lúc này cũng là lúc nguy hiểm nhất. Hãy cảnh giác, hãy tiếp tục tập yoga, quan sát những cảm giác, những sự kiện quá khứ này một cách khách quan và đừng chạy theo chúng. Hãy tiếp tục rửa sạch những nghiệp chướng mà bạn tạo ra trong quá khứ. Vì tò mò, bạn sẽ chạy theo những sự kiện này để tìm hiểu những gì đã xảy ra trong các tiền kiếp của mình. Nên nhớ, lúc bạn muốn điều gì là bạn đang phát triển lòng tham. Hãy cảnh giác đừng để tâm tham lam lường gạt mình, nó sẽ bảo: ‘Oh ta thiền quá hay, ta đã chứng nhị thiền, ta có được thần thông biết được chuyên quá khứ vị lai’ Lòng kiêu ngạo và khoe khoang sẽ trỗi dậy, thay vì tiếp tục thiền để rửa sạch các nghiệp chướng này để giải thoát, các bạn thiền để được trở về quá khứ. Một lần nữa các bạn đi sai đừơng và bị tham sân si thống trị.
Cùng như vậy lúc này sati ( chú ý đơn thuần ) của tâm bạn cũng được phát triển mạnh mẽ. Tâm bạn bắt đầu ý thức được một phần các hoạt động của Vô Thức nghĩa là các hoạt động của Vô Minh và biết Vô Minh được hình thành như thế nào.
Lúc này Vô Minh sẽ hiện rõ bộ mặt thật của nó vì sao ?
Vì nó được nuôi sống bằng tham sân si.
Lúc các bạn thiền 20 ngày liên tiếp, hơn 10 giờ một ngày, bạn rất là cảnh giác, nên tham sân si không phát triển đựoc, Vô Minh bắt buộc phải đi tìm thức ăn của nó. Tôi ráng giải thích cho quí vị hiểu Vô Minh hoạt động và sinh sống ra sao.
Chúng ta có hai phần :  thân thể và tâm ( corps et esprit )
Thân thể được nuôi dưỡng bằng thức ăn. Mỗi ngày phải cũng cấp hai hay ba bữa ăn. Nhưng thân thể có phần dự trữ của nó. Nếu ta không cho nó ăn trong vòng vài ngày, thân thể vẫn tiếp tục sống nhờ phần dự trữ này. Nếu ta tiếp tục nhịn ăn trong vòng vài tuần, phần dự trữ này sẽ hết và thân thể sẽ chết.
Cũng như vậy, tâm được nuôi bằng thức ăn riêng của nó, nó tiếp tục sống nhờ nghiệp lực của tham sân si. Mỗi một niệm, một giây khắc trôi qua, trong tâm của chúng ta đầy rẫy những ý tuởng tham sân si giúp cho tâm sinh ra khoảng cách kế tiếp. Lúc chúng ta thiền, chúng ta không phản ứng bằng tham sân si, tâm bắt buộc phải sử dụng phần dự trữ của nó để tiếp tục sống. Nó làm sống dậy những nghiệp trong quá khứ để cung ứng tham sân si cho nó. Chuyện gì sẽ xảy ra? Giây phút tiếp theo, chúng ta lại quan sát những nghiệp lực này dưới dạng cảm giác mà không phản ứng.
Tâm lại bắt buộc phải đi tìm thức ăn bằng cách làm sống lại những nghiệp khác trong quá khứ. Đến một lúc nào đó, phần dự trữ này cũng sẽ khô cạn. Tất cả nghiệp chướng đã hết, tâm sẽ chết vì không còn thức ăn, luồng tư tưởng dừng lại, và chúng ta giải thoát.
Vậy chúng ta thấy rằng, khi chúng ta thiền, chúng ta không tạo nghiệp hiện tại và bắt buộc phần Vô Thức phải sử dụng phần dự trữ của nó nếu nó muốn tiếp tục sống.
Nếu ban ngày chúng ta thiền và cảnh giác, phần Vô Thức này phải làm sao để làm đầy lại phần dự trữ của nó ( remplir son stock? ). Xin trả lời , nó chờ bạn ngủ để ra tay hoạt động. Khi bạn ngủ , nó sẽ tạo ra những cơn mơ, nếu bạn thích tiền , nó sẽ mơ tiền, nếu bạn tham dục, nó sẽ tạo ra những cảnh dâm ô, nếu bạn háo ăn, bạn sẽ mơ đuợc ăn, nếu bạn thù hận ai đó mà bạn vẫn giữ lòng thù hận này trong lòng, vô thức sẽ tạo ra những cảnh chém giết hoặc ác mộng. Nhưng có một điều vô thức không ngờ là bạn đã chứng nhị thiền, nên khi nó bắt đầu đi kiếm ăn, bạn biết ngay. Có nghĩa là khi bạn bắt đầu nằm mơ, bạn ý thức được là bạn đang mơ. Đây là một thần thông mới mà bạn đạt được nhưng cũng là lúc một sự nguy hiểm mới bắt đầu .
Quyền hành và năng lượng của phần Vô Thức rất là lớn, nó không tuỳ thuộc vào thời gian lẫn không gian, nó không cần giác quan để biết, nó chỉ cần dùng tâm để biết, bằng chứng là khi bạn mơ, bạn cũng cảm thấy được mùi vị, màu sắc và âm thanh, dù lúc đó các giác quan của bạn đang ngủ. Do đó khi bạn bám sát Vô Thức, biết những gì Vô Thức đang làm, có nghĩa là bạn đang xuất hồn.
Chẳng hạn Vô Thức mơ về một vùng đất hay là một cảnh giới nào đó, bạn đang bám sát Vô Thức, nên khi Vô Thức mơ về những vùng này, bạn thật sự là đang có mặt tại đó.
Tôi không cấm thiền sinh kinh nghiệm những chuyện này, ngay cả tôi, tôi cũng đã chu du một vài lần cho thoả ý hiếu kỳ của mình, và sau đó tôi tiếp tục tập yoga. Tại sao như vậy? Tại vì nếu quí vị thiền để xuất hồn thường xuyên, chúng ta sẽ không giải thoát. Mục đích của chúng ta là giải thoát khỏi Vô Minh, nên khi ta biết được vô minh đang làm gì, ta sẽ cảnh tĩnh và ngăn ngừa những hành động của vô minh để không tạo nghiệp trong cơn mơ. Thay vào đó chúng ta ham xuất hồn để ngao du, lòng tham lại một lần nữa ngự trị chúng ta, và chúng ta quên đi mục tiêu ban đầu của thiền là để giải thoát. Do đó chúng ta không được chạy theo những thần thông ấu trĩ này.
Tóm lại, khi nhập nhị thiền, bạn phải hết sức cảnh giác đừng để những thần thông bé bỏng quấy rối. Trong tầng thiền này điều quan trọng mà bạn cần chứng ngộ là bạn kinh nghiệm được sự thiêu đốt khủng khiếp của tham sân si. Do tâm định tĩnh và sắc bén, dù chỉ là một niệm nhỏ nổi lên, bạn có cảm giác như lửa tham sân si đang đốt bạn, tâm bạn mất đi sự quân bình và an lạc. Do kinh nghiệm này, khi xuất khỏi tầng thiền này, bạn kinh sợ tham sân si, nên bạn giữ giới càng chặt chẽ hơn.
Read more...

Sơ thiền

0 nhận xét

Sơ thiền

Lúc đầu mới tập, ngồi 10 phút. Sau đó tăng lên 20 phút, một tiếng, hai tiếng, ba tiếng, một ngày , hai ngày. Tâm càng định, bạn sẽ ngồi được càng lâu.
Lúc bạn nhập sơ thiền, bạn sẽ ở trong tình trạng định này khá lâu khoảng một tiếng đến bốn tiếng. Trong tình trạng này tâm rất là an lạc, định tĩnh, hơi thở chỉ còn như sợi chỉ rất là vi tế  nhẹ nhàng và trơn tru. Nhiều khi bạn cảm thấy hơi thở như dừng lại, lâu lâu có một sự đập ( impulsion ) trỗi dậy nhắc bạn rằng là hơi thở vẫn còn đó.
Nói là nhập sơ thiền, thật ra là bạn bị cuốn hút bởi tầng thiền định này ( absorption ) và bạn không cưỡng lại đuợc. Điều thứ hai là bạn không thể quyết định nói là lúc nào ta muốn nhập sơ thiền là nhập. Khi công phu đầy đủ, tâm bạn tự nó nhập sơ thiền. Trong tầng thiền này, do tham sân si vắng mặt nên tâm bạn rất là an ổn và phúc lạc. Bạn cảm thấy đây là niết bàn và bạn muốn ở lại đây.
Hãy cảnh tỉnh vì đây cũng là lúc nguy hiểm nhất. Nếu các bạn không cảnh giác, tâm tham lam sẽ trỗi dậy, nó thích trạng thái an lạc này, nó sẽ tưởng đây là niết bàn và muốn nắm giữ.  Nên nhớ rằng tầng thiền này cũng là vô thường, nó sẽ thay đổi và biến mất. Nếu các bạn thất vọng vì trạng thái này không còn nữa, tâm bạn lại sinh ra buồn dọc và sân hận. Ta thiền là để thoát khỏi tham sân si, và một lần nữa ta bị chúng chi phối.
Khi bị cuốn hút trong sơ thiền, bạn không thể quán cảm giác được, tư tưởng cũng rất là vi tế nên bạn cũng không thể quán chúng. Hãy giữ cho tâm bạn được quân bình, trở về với hơi thở của mình và chờ cho trạng thái này chấm dứt. Sau đó hãy tiếp tục công việc yoga của bạn.
Trung bình, nếu các bạn giữ giới và tập thiền đều đặng trong vòng 3 năm, nhập thất ít nhất là hai lần 10 ngày một năm, bạn sẽ chứng sơ thiền. Thời gian này có thể lâu hay mau hơn còn tuỳ theo căn cơ và nghiệp chướng của mỗi thiền sinh.
Read more...

Trúc Lâm Viên - Cõi thiền tuyệt mỹ

0 nhận xét

Trúc Lâm Viên - Cõi thiền tuyệt mỹ

Cách Đà Lạt 15 km về phía Nam, khu du lịch Trúc Lâm Viên là viên ngọc sáng, điểm dừng chân lý tưởng cho du khách bở phong cảnh nên thơ, kiến trúc độc đáo.
Được khởi công xây dựng từ năm 2006, Trúc Lâm Viên đã chuyển mình từ một vùng đồi hoang sơ thành một cảnh quan tuyệt mỹ với nhiều hạng mục công trình quy mô, mang đậm nét văn hóa truyền thống nhưng không kém phần độc đáo.
Trúc Lâm Viên khoác lên mình tấm áo lộng lẫy của thiên nhiên được chăm chút kỹ lưỡng qua bàn tay nghệ thuật đầy sáng tạo của các nghệ nhân và cũng là gia chủ của gia trang hiền hòa và mến khách .
Từ núi Voi hùng vĩ, những mạch nước ngầm âm thầm hội tụ thành dòng suối Thanh Lương đổ xuống thác Bảy tầng như một nhạc khúc nghìn năm bất tận làm nao lòng thi nhân mặc khách khi đến vãng cảnh chốn này.
Hồ Định An in bóng Trúc lâm thiền viện

“Trên dòng nước mát thác Thanh Lương. 
Vọng lại âm thanh thật diệu kỳ, 
Bóng bọt tung bay trên phiến đá. 
Nghìn năm nhạc khúc nước trôi đi”.

Hồ Định An in bóng Trúc lâm thiền viện

Hồ Định An in bóng Trúc lâm thiền viện 
Đan xen với những công trình xây dựng mỹ thuật là biết bao tiểu cảnh, cây kiểng, bonsai, hòn non bộ, thác nước nhân tạo hay Thạch Hoa viên với vô vàn những kỳ hoa dị thảo giữa sa thạch hàng ngàn năm tuổi, tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh thủy mặc sống động.
Hòa mình giữa thắng cảnh thiên nhiên hữu tình, non xanh nước biếc, thả hồn theo rừng thông đỏ vi vu hòa lẫn tiếng suối reo bên sườn núi Voi hùng vĩ ...
 
Hòa mình giữa thắng cảnh thiên nhiên hữu tình, non xanh nước biếc

Du khách có thể thưởng thức nét văn hóa độc nhất vô nhị trên cao nguyên Trúc Lâm Viên như thưởng thức trà đạo tại vườn đá cảnh Nhật Bản với những khối đá, những bộ bàn ghế được chế tác công phu nhập nguyên bộ từ đất nước hoa anh đào hay đắm mình trước những tác phẩm tranh thêu tay nghệ thuật, độc đáo với kỹ thuật thêu nổi bằng chỉ tơ  tằm trên nền tơ lụa, cảm nhận nét tinh tế mang đậm bản sắc văn hóa Việt và kỹ xảo thiêu hoa của các nghệ nhân Trần Lê Gia Trang...
Cảm nhận khung cảnh yên tĩnh thanh bình của thiên nhiên tươi đẹp và hòa mình vào hơi thở trong lành của vùng cao nguyên lãng mạn, du khách sẽ cảm thấy lòng mình  lắng đọng sau những lo toan mệt mỏi của cuộc sống chốn thành thị.
Nhẹ  bước vào cõi thiền mênh mang tĩnh cùng Thất Tuệ Hiền tại trung tâm Trúc Lâm Viên.

Thất Tuề Hiền tĩnh lặng tại một góc Hồ  Định An

Thất Tuề Hiền tĩnh lặng tại một góc Hồ  Định An

Một góc trà đạo với vườn đá cảnh Nhật Bản  độc đáo

Một góc trà đạo với vườn đá cảnh Nhật Bản  độc đáo 
Từ trên đỉnh cao đồi vọng cảnh của khu du lịch, du khách có  thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cả một khu đồi bạt ngàn cây xanh, như thể đang đứng trước một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, lắng lòng thiền định với một bức tranh sơn thủy đầy màu sắc và một không gian yên tĩnh để cảm nhận được tấm lòng của người nghệ nhân đã sáng tạo ra tuyệt tác này.

 Những chú cá Koi vẽ nên bảng màu sinh động trên mặc Hồ Định An

 Những chú cá Koi vẽ nên bảng màu sinh động trên mặc Hồ Định An
 
Với cảnh quan tuyệt đẹp và khí hậu trong lành được thiên nhiên ưu đãi, cùng với sự đi lên của một thành phố Đà Lạt thơ mộng, khu du lịch văn hóa - nghệ thuật Trần Lê Gia Trang sẽ là một địa chỉ quen thuộc, để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách bốn phương mỗi khi có dịp dừng chân trên phố núi đầy sương để thưởng ngoạn chốn này...

Read more...

Cõi hiếu trong cõi Thiền

0 nhận xét

Cõi hiếu trong cõi Thiền
Giác Ngộ - Xem ra bước vào cửa thiền là bước vào cửa hiếu, cửa hiếu cũng là cửa tỉnh thức, cửa chơn không diệu hữu. Nơi đó mỗi người luôn cất lên tiếng nói yêu thương và hiểu biết.
“Lên chùa thấy Phật muốn tu
Về nhà thấy mẹ công phu chưa đền”.

Xem ra bước vào cửa thiền là bước vào cửa hiếu, cửa hiếu cũng là cửa tỉnh thức, cửa chơn không diệu hữu. Nơi đó mỗi người luôn cất lên tiếng nói yêu thương và hiểu biết. Thế nên, đã là người đệ tử Phật thì suy cho cùng, bạn phải phát tâm thực thi sống theo hạnh của Phật. Mà hạnh Phật được thiết lập khởi đầu bằng tâm hiếu hạnh như Đức Phật từng dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.


coihieu.jpg
Ảnh minh họa

Huống chi, trong kinh Tương ưng, Phật còn bảo:“Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, là bà con quyến thuộc trong các nẻo đường sinh tử”. Chính từ Phật ngôn này mà con người hướng tâm đến giải thoát khổ đau cho nhau. Bởi vì trên cõi đời ai cũng được sinh ra và lớn lên, trưởng thành cho đến việc xuất gia, tu hành thành đạo đều bắt đầu từ tâm hiếu hạnh. Và như vậy, từ cõi đời trần tục, mọi người có thể chuyển hóa thực thi tâm hiếu hạnh để chuyển hóa thành cõi Thiền thanh tịnh. 

Lễ hội Vu lan - rằm tháng Bảy hàng năm là dịp con người có cơ hội và điều kiện làm hóa hiện tâm hiếu hạnh. Bất kể là ai, dù ở vị trí nào, sinh sống ở đâu cũng có thể làm cho dòng suối yêu thương được tuôn chảy trong dòng sống vốn luôn nhiệm mầu. Nó có thể kết nối yêu thương từ trong quá khứ, tiếp diễn trong hiện tại và định hướng cho tương lai để thiết lập một đời sống an lạc, hạnh phúc mang tính vững bền cho tất cả ai hiện hữu trên cõi đời này.

Chính lẽ đó, mà Đức Phật đã xuất gia, tu hành, tự thân chứng ngộ, thuyết pháp độ sinh không chỉ để báo hiếu cho cha mẹ của Ngài mà còn muốn khuyến cáo mọi người hãy vì ân sinh thành của cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp mà chuyển hóa thân tâm, tu hành là báo hiếu một cách trọn vẹn, ý nghĩa cao quý nhất. Nếu không làm như thế thì mỗi cá nhân hiện hữu ở cõi đời không bao giờ báo hiếu được cha mẹ.

Ta chẳng ngạc nhiên gì, Bản kinh Tăng nhất A hàm ghi lại lời dạy của Phật về công ơn sâu dày của cha mẹ thật cao hơn trời, sâu hơn biển cả, đồng thời khuyên con người phải biết tri ân và báo ân với cha mẹ: “Này các thầy Tỳ kheo, nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa nghìn dặm, cung phụng đầy đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn đệm và thuốc thang, thậm chí cho cha mẹ có tiểu tiện trên vai mình đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu. Các thầy phải hiểu rằng ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế mà biết ân khó trả. Này các thầy Tỳ kheo, có hai việc làm cho phàm phu được công đức lớn, được quả báo lớn, đó là phụng sự cha và phụng sự mẹ”.

Trong cõi đời đầy biến động vô thường, khi mà con người còn phải đối diện biết bao nhiêu vấn đề từ cơm áo gạo tiền, cho đến các vấn đề phức tạp khác, vấn đề phụng sự mẹ cha lại càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Thực tế minh chứng như thế, con người mỗi khi giáp mặt khổ đau thì mới có cơ hội biết kết nối yêu thương để mong cầu sống trong sự bình an nội tại. Vì suy cho cùng, báo hiếu cho cha mẹ chính là báo hiếu cho mọi người, cho quốc gia, cho đồng bào, cho quê hương xứ sở. Lý Duyên khởi xưa kia Phật chứng ngộ đã minh thuyết cho sự thật này như là một chân lý, bởi vì không ai có thể sống một mình mà tồn tại và phát triển, con người cần nương tựa vào nhau, trong ý niệm ai cũng từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị trong dòng sống tương tục. 

Cho nên, bạn đừng bao giờ có ý nghĩ chỉ khi mình trở thành người giàu có mới có điều kiện phụng sự cha mẹ của mình. Cửa Thiền là cửa Không, ngay cả khi bạn không có gì vẫn có thể báo đáp ân đức cha mẹ, vấn đề là bạn có chuyển hóa tâm thức hay không trong giai trình đi về miền đất an lạc. Xưa kia, Phật từng lễ lạy đống xương khô bên đường mà cũng chuyển hóa đại bi tâm biết bao nhiêu con người trở về suối nguồn thực thi hiếu hạnh. Các vị thiền sư, sống một đời sống không gia đình, không tài sản, thế mà các ngài vẫn báo hiếu cho cha mẹ một cách thiết thực và hữu hiệu mang các giá trị rất nhân văn nhưng trên hết là đem lại giá trị giải thoát tự thân cho cha mẹ của các ngài. 

Chắc bạn còn nhớ câu chuyên ngài Lục tổ Huệ Năng (638 - 713) trong kinh Pháp Bảo đàn ghi nhận. Ngài vốn xuất thân là một người nghèo khổ, khi còn ấu thơ đã sớm mồ côi cha, lớn lên chỉ còn mẹ già. Do đó, hàng ngày, Tổ phải lên núi đốn củi rồi gánh ra chợ bán, đổi lấy gạo đem về nuôi mẹ. Một hôm, nghe người ta tụng kinh Kim cương, đến câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” mà Tổ bừng tỉnh. 

Vì vậy, Tổ nghĩ rằng, chỉ về xin phép mẹ xuất gia tại núi Hoàng Mai, thọ giáo với Ngũ tổ Hoằng Nhẫn mới may ra có cơ duyên báo hiếu cho mẹ cha rốt ráo được. Nhưng Tổ chợt nghĩ, mình còn mẹ già thì ai phụng dưỡng đây, nên lòng còn chần chừ, chưa nỡ xuất gia hành đạo. Bỗng dưng, có người hiểu được tâm nguyện của Tổ, liền trợ giúp 10 lượng bạc và hứa thay mặt Tổ trông nom phụng dưỡng mẹ già cho đến mãn phần. Nhờ thế, Tổ an tâm tu học, về sau chứng đạo trở thành bậc Long tượng của rừng Thiền, không chỉ độ cho mẹ cha của mình mà còn chuyển hóa tâm thức biết bao nhiêu người khác trong cuộc đời sinh tử trầm luân này.

Từ câu chuyện này, có thể hiểu rằng, khi bạn khởi tâm hiếu hạnh đến với mẹ cha thì bạn sẽ thọ nhận sự an lành đến với chính mình, có khi nó còn quyết định được một đời sống tốt đẹp hơn cho cả người thân của bạn sau này. Chỉ cần một nén hương lòng với tâm thành kính hướng nghĩ về mẹ cha là bạn cũng có khả năng thực thi được một công đức lớn, một lợi ích lớn trong cõi đời này. 

Đó là công đức hiếu hạnh mà Tổ sư Thiền Trung Hoa thành tựu. Còn ở Việt Nam, xưa kia cũng có ngài Liễu Quán nhờ công hạnh báo hiếu mà chứng đạt sở nguyện của mình. Ngài Liễu Quán mồ côi mẹ lúc còn 6 tuổi, thân phụ liền gởi ngài vào chùa Hội Tôn, cho thọ giáo với Hòa thượng Tế Viên. Sau 7 năm sống tu hành ở cửa Thiền thì Hòa thượng bổn sư viên tịch. Sư đành lòng khăn gói, băng rừng lội suối ra Thuận Hóa (Huế) để thọ học với ngài Giác Phong thiền sư chùa Báo Quốc. Năm sau, nghe tin cha già lâm bệnh, không có người săn sóc, sư liền trở về nhà, hàng ngày lên rừng đốn củi, dành dụm tiền nong để đổi gạo nuôi cha già, nguyện cầu cho cha yên lành, thể hiện chí nguyện hiếu tâm là hiếu Phật. 

Rõ ràng, phụng dưỡng mẹ cha hiện tiền chính là phụng thờ Phật sống ở đời. Cho nên, sư quyết tâm hầu hạ thân phụ cho đến khi qua đời mới trở về sơn lâm. Chính nhân duyên này, đã trợ duyên cho thành tựu công đức hiếu hạnh, tức là thành tựu hạnh nguyện tu tập giải thoát. Về sau, sư Liễu Quán trở thành Tổ sư của một dòng Thiền, có ảnh hưởng rất lớn trong giới Thiền và cả trong giới hoàng tộc trong việc phò vua giúp nước, và phát triển đạo Thiền.

Ngoài ra, còn nhiều gương hiếu hạnh nữa trong cửa Thiền ở nước ta. Thiền sư Huyền Quang đời Trần là một minh chứng cụ thể. Khi chưa xuất gia, sư là một vị trạng nguyên xuất chúng, làm quan, nhưng lại chán ngấy chốn quan trường đầy nhiễu nhương, phức tạp của bụi trần. Lòng sư luôn tự hỏi, cuộc đời sao mà lắm sự chua cay nghiệt ngã, sao có người xem phú quý vinh hoa như mục đích tối thượng mà tranh chấp không hướng nghĩ đến tình thân cha mẹ, anh em, bà con ruột thịt, dẫn đến khổ đau hệ lụy mãi hoài… 

Một hôm, sư Huyền Quang theo vua đến chùa Vĩnh Nghiêm tham dự pháp hội, thấy Quốc sư Pháp Loa đang diễn thuyết hoằng hóa độ sinh mà nhớ lại chuyện xưa, bèn than rằng: “Làm quan lên bồng đảo, đắc đạo đến Phổ Đà; trên cõi nhân gian là Tiên, cảnh giới Tây phương là Phật. Phú quý vinh hoa nào khác chi lá vàng mùa thu, mây trắng mùa hạ, đâu nên lưu luyến mãi hoài”. Thế rồi, sư dâng biểu xin vua từ quan, xuất gia hành đạo. 

Cho đến khi, bỗng nghe tiếng chim khách kêu vang trên cành ở trước sân, sư chạnh lòng nhớ nghĩ đến cha mẹ hiện đang già yếu, nhất là công ơn sinh thành cao như núi, sâu như biển khơi, liền sửa soạn hành trang về cố hương hầu thăm cha mẹ. Đến nơi, sư nhìn thấy cha mẹ còn khỏe mạnh và biết thêm cha mẹ của mình rất tín tâm với Tam bảo nên lòng rất hoan hỷ. 

Nhân đó, ngôi chùa có tên là Đại Bi được hình thành từ nơi mảnh đất gần nhà của song thân, trong ý nghĩa tiếng kinh cầu vang lên “Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát cứu độ cha mẹ hướng về Phật đạo”. Từ đó, không chỉ có cha mẹ của sư được diễm phúc hàng ngày được tụng kinh, niệm Phật, làm các việc công đức cho bá tánh mà dân làng còn được nghe thuyết giảng của các sư, thực hành Chánh pháp, sống có ích cho đời, làm hưng thịnh Phật pháp. 

Rõ ràng, nơi nào có tâm hiếu được hóa hiện, nơi đó được đâm chồi kết trái của tình người tình đạo trong cuộc hành trình hướng về miền giải thoát khổ đau. Nơi đó chính là mảnh đất để cho giới đức, tâm đức, trí đức hóa hiện, mục đích là nhằm kết nối giai điệu yêu thương giữa người còn kẻ mất. Nó cũng góp phần bảo lưu mọi giá trị cao quý nhất trong dòng chảy văn hóa tình người được xuất phát từ trong văn hóa ứng xử giữa con người với con người; giữa con người với cộng đồng xã hội; giữa con người với thiên nhiên môi trường sống. 

Thế nên, bổn phận của mỗi cá nhân phải thực thi hiếu hạnh với mẹ cha, với mọi người như là một đạo lý sống giữa đời mà kinh Thi ca la việt ghi, bao gồm 5 điều: 

1. Cung kính và vâng lời cha mẹ.
2. Phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu.
3. Giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình.
4. Bảo quản tài sản do cha mẹ để lại.
5. Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời. 

Ngoài ra, Đức Phật còn đề cập bốn trách nhiệm để hướng dẫn cha mẹ sống đúng theo Chánh pháp: 

1. Nếu cha mẹ không có niềm tin, khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam bảo.
2. Nếu cha mẹ xan tham, khuyên cha mẹ phát tâm bố thí.
3. Nếu cha mẹ làm ác thì khuyên cha mẹ hướng tâm làm việc thiện.
4. Nếu cha mẹ theo tà kiến thì khuyên cha mẹ theo chánh kiến. 

Và như thế, bạn đang hướng vọng về ngày hội Vu lan, ngày hội của văn hóa hiếu hạnh, chứa chan tình, đầy hương vị của giải thoát. Nếu xưa kia Mục Kiền Liên từng vì cha mẹ đọa lạc tam đồ, rồi cất lên tiếng kinh cầu nhờ oai lực của chư Tăng chú nguyện để giải thoát cho mẹ cha thì ngay từ bây giờ cõi Thiền lại mời gọi mọi người hãy khởi tâm thực thi hiếu hạnh tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của mình mà báo hiếu cho hai đấng sinh thành dưỡng dục. 

Có một điều đơn giản hết sức, nhưng giá trị yêu thương thì vô cùng tận, bạn cũng như tôi hãy để thì giờ ngắm kỹ dung nhan của mẹ cha thật lâu, rồi cất lên tiếng nói con yêu cha mẹ thật nhiều, nhất là nhiệt tâm tinh cần làm các thiện lành. Tại đây, mẹ cha hạnh phúc biết chừng nào! 

Còn như nếu ai mất mẹ hoặc cha thì xin hãy thắp nén hương lòng tưởng niệm về họ mà nguyện cầu Phật từ bi tiếp độ về miền đất an lành. Làm được như thế, Vu lan trở thành ngày đánh dấu sự trở về cội nguồn sống đúng Chính pháp mà đức Phật từng chỉ dạy cho mỗi người chúng ta hiện hữu ở cõi đời này. Cõi hiếu hóa thành cõi Phật ở đời.  
Thích Phước Đạt (Nguyệt san Giác Ngộ số Vu lan 185)
Read more...

Thiền, Có Nên Phát Động Phong Trào Thiền Chữa Bệnh Tại Việt Nam Không?

0 nhận xét

Thiền, Có Nên Phát Động Phong Trào Thiền Chữa Bệnh
Tại Việt Nam Không?





Thiền là làm lặng yên cái trí nhờ hít vô thở ra theo đúng kỹ thuật. Sự ích lợi của Thiền không thể nghĩ bàn, nó bao la vô tận, ai cũng biết Đức Phật đắc đạo là nhờ Thiền định.
Phật giáo Việt Nam, từ  khi  Tổ Tỳ Ni Na Lưu Chi sang truyền Đạo Phật (580-2012) tại VN, nay đã nghót nghét 1430 năm, gần 15  thế kỷ. Đạo Phật là Đạo Phổ Độ chúng sanh, cứu nhân độ thế cho nên các triều đại huy hoàng Việt Nam, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê ,Tây Sơn:  Mỗi chùa  đều có một bệnh xá Đông Y, Thuốc Nam, châm cứu để giúp đỡ cho nhân dân gặp khi trở trời, gió nghịch, nhất là dân bệnh nhân nghèo. Mãi đến khi Triều Nguyễn, nước Việt ta bị Thực dân Pháp đô hộ thì Đạo Phật bị kỳ thị, không được phát triển như trước nữa. Mặc dầu vậy “miếu rách quá miếu, nhưng thần linh vẩn còn”.  Và may thay phong trào chấn hưng Phật Giáo lại được nỡ rộ bừng lên giữa thế kỷ 20, được sự dìu dắt của Tổ Tố Liên, Bác sỹ  Lê Đình Thám và  sinh hoạt  Phong trào Gia đình Phật Tử với người anh cả cố Giáo sư Võ Đình Cường… Cho đến ngày nay qua bao thăng trầm, Phật Giáo Việt Nam đồng hành, đồng cam cùng Dân Tộc.
Trong những tháng qua, chúng tôi có theo dõi  trang nhà Giaodiemonline.com và phattuvietnam.net cũng như một số các webs khác thấy có 2 sự việc nổi bật do Tiến sỹ Cư Sỹ Hồng Quang đề xướng, chúng tôi lấy làm vui thích và suy tư:
1- Đề nghị  các chùa nên mở rộng lòng Từ bi, tiếp đón các học sinh từ các làng quê lên Tỉnh, thành phố, trong  mùa thi, để bớt gánh nặng chi phí cho gia đình các em.
2- Mở những khóa dạy thiền, để nâng cao sức khỏe cho đồng bào;  bởi Thiền là phương pháp Trị bệnh không những chữa thân bệnh mà can thiệp luôn cả tâm bệnh.
Vừa qua chúng tôi rất lấy làm vui sướng cảm khích bởi có một số chùa tại TP HCM, Hà Nội, Huế đã dang tay mở rộng lòng từ bi hưởng ứng lời thỉnh cầu này, nhất là HUẾ cái nôi  của Phật Giáo VN, chùa Từ Đàm, Trung Tâm Phật Giáo Huế, quí Thầy, quý Sư Cô đã đã nổ lực hết mình, chúng con rất khâm phục và trân trọng tán thán công đức. Tuy nhiên cũng có rất nhiều chùa đã im hơi lặng tiếng. Phật Tử chúng ta nghĩ gì về sự hời hợt này, đang lúc Tin lành, Ki-Tô giáo đang rầm rộ ào ạt truyền đạo tại VN?
Trở lại vấn đề  thứ hai THIỀN CHỮA BỆNH, Cư  sỹ Hồng Quang bao năm ở hải ngoại dày công nghiên cứu, sưu tầm, học hỏi, đúc kết, hệ thống lại Phương pháp THIỀN CHỮA BỆNH  và đang cổ động mở những lớp đào tạo tại Việt Nam. Chúng tôi thiết nghĩ vị cư sĩ này đang làm một việc mà các triều đại trước đây đã làm: Đó là đạo Phật nâng cao sức khỏe cho toàn dân.
Ngày xưa, mỗi chùa là mỗi bệnh xá Đông Y, thuốc Nam, châm cứu. Ngày nay, mỗi một Phật Tử nên là một Lương Y tự trị bệnh cho chính mình và cứu độ tha nhân, bằng phương pháp THIỀN TRỊ BỆNH.
Hiện nay tại Hoa Kỳ cũng như các Quốc gia tiên tiến khác đều đưa Thiền vào Y Tế để chữa trị bệnh nhân. Chúng tôi có ghé qua Portland Hospital, bang Oregon Hoa kỳ. Tại bệnh viện này có riêng một khoa chuyên về Thiền trị bệnh. Tại Cọng hòa Liên bang Đức, thành phố Tuebingen chữa bệnh bằng Thiền và có luôn máy phân hình và đo hoạt động của não bộ PET (Positron Emission Tomography).

Ni Sư Tường Liên Viện Trưởng Thiền Viện MĐQ  TP Houston,
đang tham quan máy Đo Hoạt Động Não tại Tuebingen/Germany.

Hiện nay phong trào Học Thiền rầm rộ phát triển khắp nơi. Con gái Đại tướng Westmoreland quy y theo đạo Phật ăn chay ngồi thiền, vợ chồng phó Tổng Thống  Gore  cũng ngồi Thiền, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng ngồi thiền để nâng cao sức khỏe và giải tõa những căng thẳng.
Vậy Thiền là gì? Lợi ích của Thiền như thế nào ? 
Nói một cách giản dị: Thiền là làm lặng yên cái trí nhờ hít vô thở ra theo đúng kỹ thuật. Sự ích lợi của Thiền không thể nghĩ bàn, nó bao la vô tận, ai cũng biết Đức Phật đắc đạo là nhờ Thiền định.
Không có Thiền  thì không có Phật Giáo.  Tác dụng của Thiền làm bộ óc tăng thêm chất xám, sáng tạo, tâm trí vui vẻ, thanh tịnh, giải tõa những căng thẳng lo âu, phiền muộn.


Đi tìm Giác ngộ: Cựu Tổng thống Bill Clinton đã 
tập Thiền để được thư giãn 

Thông tấn Radaronline dẫn một nguồn tin nói rằng: "Từ khi bệnh tim gây ra nỗi kinh hoàn cho ông ta, cựu Tổng thống Bill Clinton đã tìm nhiều cách để giúp ông thư giãn. Ông ta có đời sống bận rộn, đi lại nhiều trong cương vị làm đặc sứ cho Hoa Kỳ, và cần phải giữ đầu óc cho minh mẫn. Thiền tập đã cung ứng cho ông điều đó, ông ta có một câu thần chú (mantra) mà ông thích tụng lên, và sau mỗi thời Thiền tập, ông cảm thấy được chuyển hóa và đầy năng lực tích cực. Thiền hiển nhiên đã cho ông ta một thế giới tốt lành -- ông cảm thấy thích hợp hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết."

Hình mô tả chất xám gia tăng nhờ ngồi thiền
                     
Cũng trong những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỉ 21 này, một số nhà khoa học và nhất là các nhà sinh lý học, giải phẩu học và cơ thể học đã khởi động đào sâu, xoáy mạnh nghiên cứu rộng sâu hơn về vai trò kỳ diệu của một số cơ quan, huyệt mạch hoặc những vùng trong não bộ con người;  như Tuyến Tùng Pineal gland nằm sâu trong não có một vai trò hết sức quan trọng về sự phát triển sức khỏe cũng như tâm linh.


 Nghiên cứu cho thấy khi một người có tâm loạn động, giận dữ, hệ thống NÃO sản xuất ra chất Độc tố : Nori (Norepinephrine). Chất độc này như thuốc rầy vậy, làm tinh thần căng thẳng (Stress). Các nhà tâm sinh lý học nghiên cứu cho thấy 60% bệnh lý là do stress tạo ra.  Nhờ thiền định giải tõa nhanh Stress.                      
Máy  PET cũng cho biết, nghiên cứu Y Tế  Khoa học cũng cho thấy khi ngồi Thiền những tác dụng của hệ thống não bộ sản xuất ra những kháng chất:
DOPAMINE: khống chế các tế bào ung thư và trị được những bệnh quái ác.
MELATONIN: Tăng chất xám, bổ não, củng cố bộ óc.
ENDORPHINS: Chất giảm đau
ACETYLCHOLINE: làm điều hòa lục phủ, ngũ tạng, cơ thể linh hoạt
INTERFERON: Do tế bào cơ thể sanh ra, ngăn ngừa không cho các viruses  phát triển chống Ung thư. Và nhiều kháng chất nữa. Các kháng chất này, các nhà khoa học gọi chung là PNI: PSYCHONEUROMIMUNOLOGY,  tạm dịch:  Năng Lượng Tinh Thần, hoặc là:  Năng Lượng Siêu  nhiên.



                                        (Những hình ảnh này do Ni Sư Tường Liên cung cấp)

“ Khoa học chứng minh rằng, Thiền đem lại sự quân bình cho cả hai phần phải và trái của khối óc, quân bình các mảnh lực âm dương trong cơ thể. Tài liệu khoa học nghiên cứu cũng cho thấy, mối tương quan giữa thiền định và sự rung động của bộ óc như sau:  Hãy tưởng tượng bạn đang làm việc trong sở, có nhiều vấn đề, như bị chủ la rầy, có nhiều vấn đề cần giải quyết, đầu óc bạn bối rối, bực bội, rồi điện thoại reo, bạn phải trả lời, trả lời chưa xong điện thoại khác lại reo lên nữa, văn thơ đưa tới, nhìn vào thời khóa biểu, sẵn có buổi  họp xãy ra trong vài phút, bạn lo lắng, việc trong sở, việc tại nhà v.v…. Trong tình trạng đó nếu có 1 máy đo Điện não đồ ELEC trocephalograph đo mức rung động làn sóng trong óc bạn thì máy EG ghi nhận sự rung động ở mức 22 chu kỳ trong một giây hay ở mức BETA.  Sau  khi  đi làm trở về nhà ăn uống, tắm rửa nghỉ ngơi thoải mái cho xã giãn thì rung động ở óc sẽ hạ thấp xuống khoảng 10 chu kỳ trong 1 giây hay ở mức ALPHA.
Nếu tham thiền tập trung tư  tưởng vào một hình ảnh đẹp như 1 bông hoa, một câu thần chú, hay quán niệm hơi thở, thể xác bạn ngồi yên bất động, tâm trí lăng yên, không bị những tư tưởng lộn xộn, xâm nhập thì mức độ rung động của làn sóng trí óc sẽ được ghi nhận khoảng 4 chu kỳ trong 1 giây hay ở mức THETA .  Nếu bạn là một hành giả đã thiền định nhiều năm, nhập thiền dễ dàng, mức tập trung hoàn hảo đạt đến trạng thái hòa nhập trọn vẹn, không còn phân biệt chủ thể hay đối tượng thì mức rung động của bộ óc sẽ vào khoãng 2 chu kỳ trong 1 giây hay ở mức DELTA.  Khi nhập vào trạng thái siêu đẳng  của Đại  Định (SAMADHI) toàn thân đắm chìm  trong an lạc tuyệt vời, bỏ lại đàng sau cái giới hạn vật chất, thì tiến đến mức ra ngoài DELTA, ra ngoài tầm mức mà kỷ thuật não điện đồ EG không còn đo được nữa.
Tình  trạng tâm thức siêu đẳng này thì chỉ người đã đạt đến trạng thái đó mới biết, lúc đó  Chân ngã cảm nhận được nó.”  (THIỀN ĐỊNH VÀ KHOA HỌC . Darshani Deane/ Nguyên Phong.)
                        
Như vậy,  Thiền định tháo gỡ các tấm màn vô minh, vẩn che mắt chúng ta, từ bao lâu nay, để biết chính mình thực sự là ai, đồng thời khi ta làm chủ được cái tâm thì cánh cửa sức khỏe tự nhiên được bật tung ra. Do đó, đứng vào góc độ khoa học Thiền mang lại sức khỏe làm cho trí tuệ được thăng hoa, sáng tạo, thông minh hơn, đặc biệt giảm y phí cho đồng bào, bớt gánh nặng Y Tế cho nhà nước…
Trên cơ sở Khoa học đó, chúng tôi xin phép đề nghị Quý chư Tôn Đức giáo phẩm lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, 1750 Quý  Sư  Trú trì của 1750 ngôi chùa của cả nước, tạo điều kiện cho phong trào  THIỀN TRỊ  BỆNH sớm  khởi động nhịp nhàng cho cả 3 miên đất nước, cũng xin phép đề nghị  Quý Chư Tôn Đức  Tăng Ni  Hải ngoại, các hội từ thiện Phật giáo trong và ngoài nước, quý Phật Tử  và quý vị  có tinh thần quý mến Phật Giáo, xin hổ trợ, trợ duyên cho PHONG TRÀO THIỀN CHỮA BỆNH thiết thực này, sớm gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp, để Phật giáo Việt Nam  có vị trí tốt hơn nữa trong cộng đồng Phật Giáo thế giới.
Có lẽ đây là bước đột phá hoằng pháp thiết thực, cấp bách đối với Phật Giáo Việt  Nam trong những ngày của thế kỷ 21.
Cầu cho vạn vật thái bình, chúng sanh an lạc.
TP  Houston,  2012. tháng 12 PL 2556. Việt Lịch 4891.
Huệ Lộc
Read more...

Popular Posts